Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự nghiệp mở mang dân trí, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Người đánh giá cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước và luôn chăm lo cho giáo dục - đào tạo. Bản thân Người từng là thầy giáo trong lịch sử giáo dục cách mạng Việt Nam.
Ảnh minh họa: Tất Thắng
Năm 1911, trước khi ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết. Tại đây, Người đã hết lòng truyền đạt tri thức, tư tưởng tiến bộ, gieo vào tâm trí những học trò nhỏ của mình tinh thần yêu nước và nỗi trăn trở của người dân mất nước. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Người đã nhận thấy sự cần thiết phải nâng cao dân trí và coi giáo dục là một bộ phận của công cuộc giải phóng dân tộc. Những năm tháng ở Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã tích cực mở các lớp huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng. Khi đất nước vừa khai sinh, Người đặt giáo dục ở vị trí quan trọng cần giải quyết: “diệt giặc đói, giặc dốt cùng giặc ngoại xâm”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích của giáo dục là phải làm phát triển những năng lực sẵn có của học sinh, làm cho các em trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt, cán bộ gương mẫu, xứng đáng là những người chủ của đất nước. Nội dung giáo dục phải toàn diện, “vừa hồng, vừa chuyên”. Phương pháp giáo dục phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, với lứa tuổi. Trong dạy học, cần chú ý phát triển trí tuệ, tính độc lập sáng tạo và tích cực của người học. Thầy giáo cần hiểu biết kỹ năng, đặc điểm, tâm lý của học trò. Thầy phải yêu quý trò và trò và kính trọng thầy. Người thầy giáo phải chú trọng việc nêu gương. Để nêu gương, giáo viên cần không ngừng học tập và rèn luyện, không ngừng hoàn thiện bản thân.
Nói chuyện tại lớp học chính trị của giáo viên ngày 6/8/1959, Người chỉ rõ: “Các cô, các chú phải ngày càng tiến bộ để dạy cho con em ngày càng tiến bộ, nếu không thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con em… Cán bộ và giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại, mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội...”. Năm 1964, tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Người động viên các nhà giáo: “Có gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những Anh hùng vô danh…”. Trong Thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam mới, Bác căn dặn: “Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Kể từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, sự nghiệp “trồng người” đã trải qua chặng đường dài với nhiều lần cải cách và đổi mới, nhưng những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo vẫn giữ nguyên giá trị. Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục. Với vị trí là quốc sách hàng đầu, giáo dục - đào tạo đã thu được nhiều thành tựu rực rỡ. Nhiều thế hệ học sinh có đủ đức, tài, năng động, sáng tạo đã góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuyên Quang là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cấp, ngành rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Ngành giáo dục đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục ngày càng tiến bộ; số học sinh đoạt giải tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia tăng; giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực. Tỉ lệ trẻ đi nhà trẻ cao; việc sắp xếp hệ thống trường, lớp và cán bộ, giáo viên hợp lý...
Từ năm 1982, ngày 20/11 hàng năm được chọn là ngày đất nước tôn vinh và tỏ lòng biết ơn các thầy cô giáo. Đảng, Nhà nước đã thông qua nhiều chính sách nhằm quan tâm, hỗ trợ đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng cuộc sống để các thầy cô giáo yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo, mỗi thầy cô giáo vẫn ngày đêm nỗ lực làm “kiểu mẫu trong mọi việc” để học sinh noi theo, góp phần đào tạo nên thế hệ trẻ có đủ phẩm chất và năng lực đưa đất nước hội nhập và phát triển.
Nguyễn Nhung
Đang Online: 3
Tổng số truy cập: 863.979