Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư, với quan điểm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Bám sát chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như: Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 09/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; Nghị quyết số 45-NQ/TU ngày 01/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh... Đồng thời ban hành nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra công trình cầu Cây Quýt, xã Thành Long (Hàm Yên).
Ngay sau khi có chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh. Việc thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh khẳng định bước tiến mới, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định kết quả lãnh đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương; đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu.
Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quan tâm, chú trọng thực hiện và phát huy hiệu quả. Việc giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên được thực hiện thường xuyên; hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước ngày càng chặt chẽ... tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Công tác quản lý, điều hành ngân sách, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; mua sắm tài sản công... được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định; công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính được đẩy mạnh, giảm phiền hà cho nhân dân và góp phần ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực. Các cơ quan báo chí, truyền thông phát huy vai trò trong việc tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời nêu gương những điển hình, đồng thời phê phán những trường hợp có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kịp thời đấu tranh phản bác những thông tin xấu, luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận thành quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
Tạo niềm tin trong nhân dân
Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực cũng đã góp phần kịp thời ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương, góp phần đẩy lùi suy thoái, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và của hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra thi công trụ sở phường Mỹ Lâm. Ảnh: Việt Hòa
Trong 9 tháng đầu năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng lên. Đặc biệt là sau khi thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đến nay số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện có chiều hướng tăng so với những năm trước. Trong 9 tháng đầu năm các cơ quan tố tụng đã khởi tố 13/33 bị can, tổng số tiền thiệt hại từ các vụ trên 4,7 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi gần 3 tỷ đồng, đạt 62,3%. Điều đó đã thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp, các ngành trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.
Sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên vô việu hóa. Ông Hoàng Văn Vũ, Tổ 8, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) cho biết, thời gian gần đây, Cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến vấn đề đất đai gây bức xúc cho người dân, đặc biệt là những vụ án liên quan đến đội ngũ cán bộ địa chính ở các địa phương, một số “u, nhọt” đã và đang được cắt bỏ. Điều đó cho thấy sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu tại phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng phải được duy trì liên tục, lâu dài, bằng quyết tâm rất lớn của rất nhiều tập thể, cá nhân. Cần phải phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Theo Thanh Phúc/baotuyenquang.com.vn
Đang Online: 15
Tổng số truy cập: 863.979