Đội ngũ đảng viên có chất lượng cao thì dù số lượng không đông vẫn bảo đảm cho Đảng hoàn thành tốt nhất vai trò lãnh đạo và đưa đến thắng lợi của cách mạng. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, toàn Đảng chỉ có 310 đảng viên (theo báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930).
Hơn ba trăm đảng viên đã phát động, tổ chức và lãnh đạo cao trào cách mạng rộng lớn chưa từng có những năm 1930 - 1931, đỉnh cao là Phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, tiến công trực diện vào chế độ cai trị của thực dân, phong kiến.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi vẻ vang nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng với gần 5.000 đảng viên. Đảng lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến, giành độc lập hoàn toàn, thống nhất đất nước vào năm 1975, khi đó Đảng có 1,5 triệu đảng viên. Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) quyết định đường lối đổi mới đất nước, Đảng có hơn 2,1 triệu đảng viên. Sau 30 năm đổi mới, đến Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016), toàn Đảng có hơn 4,5 triệu đảng viên.
Quá trình lãnh đạo cách mạng, mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng đảng viên luôn luôn được Đảng đặt ra trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hướng tới nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Không có số lượng đảng viên cần thiết sẽ khó khăn trong bố trí cán bộ lãnh đạo ở các lĩnh vực, địa bàn, bởi có đảng viên mới phát động được phong trào quần chúng. Nhưng chất lượng đảng viên mới quyết định vai trò và hiệu quả lãnh đạo.
Ngày 14-9-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về tạm ngừng việc kết nạp đảng viên mới trong toàn quốc. Chỉ thị nêu rõ: "Mấy năm gần đây, Đảng ta đã phát triển quá nhanh. Chỉ trong hai năm 1948 và 1949, đã kết nạp hơn 50 vạn đảng viên mới, trong đó có rất nhiều đảng viên trung thành, hăng hái, nhưng cũng không tránh khỏi có sự kết nạp cẩu thả, do quan điểm phát triển không đúng, nên đã đưa vào Đảng một số người không xứng đáng, kém ý thức đảng, ý thức giai cấp... Thậm chí có cả những phần tử đầu cơ, lợi dụng Đảng để mưu lợi riêng cho mình và ở một vài nơi, đã khám phá ra một vài tay sai của địch chui vào Đảng để phá hoại".
Phát triển quá nhanh, công tác giáo dục, củng cố không làm kịp. Giáo dục đảng viên còn hình thức, không sát, giáo điều. Trung ương quyết định tạm ngừng kết nạp đảng viên mới để tập trung củng cố hàng ngũ, giáo dục đảng viên làm cho Đảng thành một đảng mạnh mẽ theo đúng tinh thần chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đây là kinh nghiệm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng cao bởi thường xuyên chú trọng kết nạp vào Đảng những người ưu tú, đồng thời loại bỏ những người sai phạm không còn đủ tư cách đảng viên. V.I.Lê-nin, người đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng cách mạng kiểu mới, đã kiên quyết tiến hành thanh đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền tức là đưa ra khỏi Đảng nhiều đảng viên yếu kém, "hữu danh vô thực". Trong bài Về vấn đề thanh đảng (ngày 20-9-1921), V.I.Lê-nin cho rằng: "Cần phải đuổi ra khỏi đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược". Để loại bỏ những đảng viên không đủ tư cách, theo V.I.Lê-nin, cần coi trọng ý kiến của những đại diện của quần chúng vô sản ngoài đảng. Quần chúng ngoài đảng, với sự nhạy cảm rất tài tình, biết ai là đảng viên cộng sản trung thực.
Hồ Chí Minh đề cập tư cách của Đảng chân chính cách mạng (tháng 10-1947) đã nhấn mạnh: "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng", "Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài".
Chất lượng đảng viên đòi hỏi việc kết nạp đảng viên mới phải rất chặt chẽ, bảo đảm tiêu chuẩn, nhất là về tư tưởng, lý tưởng, phẩm chất, bản lĩnh chính trị. Trong lịch sử, đã có lúc Đảng mở lớp kết nạp đảng viên, lựa chọn được nhiều người tiên phong, gương mẫu như lớp đảng viên Hoàng Văn Thụ (tháng 5-1944); đảng viên lớp 6-1-1960; cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh (tháng 3-1970). Đó là những kinh nghiệm quý báu. Những người trước khi được kết nạp vào Đảng phải được lựa chọn kỹ càng, giáo dục sâu sắc và có động cơ đúng đắn.
Trong công cuộc đổi mới, việc kết nạp, giáo dục, rèn luyện đảng viên mới được Đảng coi trọng gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do tác động của hoàn cảnh trong nước và quốc tế, nhiệm kỳ Đại hội VI (1986 - 1991) số đảng viên kết nạp mới chỉ có 100.000 đảng viên; nhiệm kỳ Đại hội VII (1991 - 1996) là 130.000 đảng viên. Từ nhiệm kỳ Đại hội VII về sau số đảng viên mới tăng nhanh, nhiệm kỳ khóa IX (2001 - 2006) tăng 600.000 đảng viên; nhiệm kỳ khóa X (2006 - 2010) tăng 500.000; nhiệm kỳ Đại hội XI (2011 - 2016) tăng gần một triệu đảng viên. Đó là dấu hiệu đáng mừng khi có nhiều người xin gia nhập Đảng, nhưng cũng đặt ra vấn đề phải xem xét chất lượng đảng viên. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Bộ phận không nhỏ ấy là bao nhiêu trong tổng số gần năm triệu đảng viên hiện nay. Điều này cần được các tổ chức đảng, cơ quan lãnh đạo, kiểm tra của Đảng ở tất cả các cấp xem xét.
Có một thực tế là việc đánh giá, phân loại đảng viên hiện nay là tuyệt đại đa số đảng viên đều hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, số không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ rất thấp. Cần thiết phải có sự đánh giá thực chất để thấy rõ chất lượng đội ngũ đảng viên hiện nay. Đại hội XII của Đảng cho rằng: "Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu; công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên".
Cũng cần nhìn nhận rõ hơn động cơ vào Đảng của một bộ phận đảng viên có phải vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì dân, vì nước hay để có chức quyền, để mưu lợi riêng. Thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, những người tham gia cách mạng, kháng chiến, vào Đảng là chấp nhận gian khổ, hy sinh. "Dấn thân vô là phải chịu tù đày. Là gươm kề tận cổ, súng kề tai. Là thân sống chỉ coi còn một nửa" (Tố Hữu - Trăng trối).
Nhà thơ Chế Lan Viên kể lại: Những năm tháng đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, trong các cơ quan, cán bộ ngoài đảng rất đông, số đảng viên còn ít; một lần họp cơ quan, người lãnh đạo đề nghị một số người thực hiện chuyến công tác đặc biệt vào vùng địch, rất nguy hiểm, có thể hy sinh tính mạng, ai có thể xung phong đi. Chế Lan Viên thấy tất cả các đồng chí đảng viên đều xin được nhận nhiệm vụ. Đêm đó nhà thơ nằm suy ngẫm, người đảng viên cộng sản là như thế và ông dậy thắp đèn viết đơn xin gia nhập Đảng. Kỷ niệm sâu sắc đó, sau này được ông viết trong bài thơ nổi tiếng: Kết nạp Đảng trên quê mẹ. Sự hy sinh của những đảng viên cộng sản khi đối mặt với quân thù trong trận đánh, trước họng súng của địch ở pháp trường, hay trong lao tù của thực dân, đế quốc, hoạt động tình báo trong lòng địch, mãi mãi là tấm gương sáng ngời được nhân dân biết ơn, yêu kính và noi theo.
Mỗi thời kỳ lịch sử chống giặc ngoại xâm hay xây dựng đất nước có nhiệm vụ chính trị cụ thể, do đó cũng có yêu cầu riêng đối với vai trò, trách nhiệm của đảng viên. Nhưng có những điểm chung, đó là sự kiên định lý tưởng, mục tiêu cách mạng, là trung thành vô hạn với Đảng, với đất nước, nhân dân, là đức hy sinh, gian khổ đi trước, hạnh phúc hưởng sau, là năng lực, trách nhiệm để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, là đạo đức, lối sống trong sáng được nhân dân tin cậy. Đó chính là thước đo chất lượng đội ngũ đảng viên và với mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng. Đảng vững mạnh, có sức chiến đấu cao nhờ đảng viên đủ đức, đủ tài. Vì vậy, phải kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất, tham nhũng, hư hỏng để giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân như lời căn dặn của Bác Hồ.
PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC
Đang Online: 35
Tổng số truy cập: 863.979